Nấm sò là một loại nấm ăn được, chúng có hình dáng giống như con sò nên được gọi là Nấm sò. Tên khoa học của Nấm sò là Pleurotus ostreatus – đây là loại nấm phổ biến nhất trên thế giới, chúng là nguồn thực phẩm dinh dưỡng được yêu thích ở rất nhiều Quốc gia.
Nấm sò là gì?
Nấm sò cũng giống như loại nấm khác, chúng có cấu tạo rồi 3 phần: Mũ nấm, thân nấm và sợi nấm Mycelium.
Phần mũ nấm và thân nấm là phần mọc lên bề mặt, chúng được sử dụng như một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, phần sợi nấm là hệ thống sợi tơ ăn sâu vào khúc gỗ hoặc nền đất hoặc túi chất nền dinh dưỡng.
Nấm sò có nhiều màu khác nhau: xám, vàng, nâu, trắng đục, màu kem, đôi khi màu trắng… màu sắc nấm sò phụ thuộc vào điều kiện phát triển chất nền, ánh sáng, độ ẩm, không khí…
Nấm sò có thể được tìm thấy trong tự nhiên. Chúng mọc trên các khúc gỗ đã chết hoặc mục nát trong các khu rừng ôn đới và nhiệt đới. Chúng được trồng lần đầu tiên bởi một nhà khoa học người Đức vào năm 1917 và hiện là loại nấm được trồng phổ biến thứ ba trên thế giới và Trung Quốc là nước có sản lượng nấm sò cao nhất thế giới.
Công dụng của Nấm sò
Nấm sò được sử dụng làm thực phẩm từ nhiều thế kỷ trước ở nhiều quốc gia khác nhau: từ La Mã cổ đại và Hy Lạp đến Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên lợi ích của chúng tới sức khỏe mới chỉ được nghiên cứu trong vài thập kỷ trở lại đây. Số lượng các nghiên cứu chưa nhiều do vậy các lợi ích mà chúng tôi đề cập phía dưới được coi như tác dụng tiềm năng của Nấm sò.
Cung cấp dinh dưỡng, chất chống oxy hóa
Nấm sò rất giàu dinh dưỡng và các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid, polysaccharide, beta-glucan và phenol. Chất chống oxy hóa là những chất làm giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương tế bào, ngăn ngừa phản ứng viêm, chống lại gốc tự do có liên quan đến các bệnh mạn tính và ung thư.
So với các loại nấm khác, nấm sò có hàm lượng dinh dưỡng và đặc biệt lượng chất chống oxy hóa cao hơn so với các loại nấm hay trồng khác.
Sức khỏe tim mạch
Tiêu thụ nhiều nấm sò có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu trên 89 người mắc tiểu đường cho thấy tiêu thụ nấm sò trong 7 ngày không chỉ giúp giảm đường huyết mà còn giúp giảm cholesterol, triglyceride và huyết áp.
Nhận thức
Trong một nghiên cứu với 663 người tham gia từ 60 tuổi trở lên, những người ăn nhiều hơn hai phần nấm mỗi tuần có ít nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ hơn.
Ung thư
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nấm có nhiều hợp chất hoạt tính sinh học. Một đánh giá của một số nghiên cứu khoa học cho thấy ăn khoảng 18 gam nấm (khoảng hai cây nấm vừa) mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ ung thư xuống 45%.
Đường máu
Một số nghiên cứu hạn chế đã phát hiện ra rằng thường xuyên ăn nấm sò có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Một nghiên cứu trên bệnh nhân mắc tiểu đường tuyp II nhập viện, ăn 150 gam nấm sò ba lần một ngày trong 7 ngày làm giảm lượng đường trong máu lúc đói khoảng 22%. Sau 1 tuần không ăn nấm, lượng đường huyết lúc đói tăng khoảng 13%.
Một nghiên cứu khác về những người tham gia khỏe mạnh cho thấy rằng uống hỗn hợp bột nấm trong nước trong 14 ngày làm giảm lượng đường trong máu lúc đói của họ xuống 6%.