Phosphatidylcholine là một chất được tìm thấy nhiều trong lòng đỏ trứng gà, đậu nành, hạt hướng dương và nhiều thực phẩm khác.
Đôi khi thuật ngữ “Phosphatidylcholine” được sử dụng thay thế cho Lecithin, bởi nó gần như luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong Lecithin. Ngoài phosphatidylcholine, Lecithin chứa nhiều thành phần khác như: Phosphatidylethanolamine; Phosphatidylinositol; Phosphatidylserine…
Phosphatidylcholine từ lòng đỏ trứng ngoài được bổ sung đường uống, một số sản phẩm dạng tiêm truyền tĩnh mạch cũng được các cơ quan quản lý thuốc cấp phép lưu hành, các dạng tiêm này được coi như thuốc và chịu sự quản lý và phê duyệt của thuốc chứ không phải là chất bổ sung trong chế độ ăn uống.
Cơ chế hoạt động của Phosphatidylcholine
Tăng sản xuất Acetylcholine
Phosphatidylcholine là nguồn cung cấp choline chính cho cơ thể. Nó là chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần để sản xuất ra acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng. Các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò như yếu tố truyền tin giữa các tế bào thần kinh trên khắp cơ thể.
Với thần kinh ngoại vi, Acetylcholine nằm trong hệ thống đường truyền dây thần kinh nối từ tủy sống đến các phần của cơ thể. Đóng vai trò quan trọng giúp cơ bắp vận động.
Acetylcholine cũng được tìm thấy trong não, đặc biệt vùng kiểm soát tâm trạng và duy trì trí nhớ. Theo một nghiên cứu của Đại học Queensland Australia, thuốc kháng cholinergic ức chế chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine trong hệ thần kinh trung ương đã làm tăng sự trầm trọng của bệnh Alzheimer.
Ức chế hấp thu chất béo tại ruột
Với một lượng đáng kể phospholipid trong chế độ ăn có tác dụng ức chế sự hấp thụ cholesterol tại ruột. Mặc dù Phosphatidylcholine là chất nhũ hóa có trong muối mật giúp hỗ trợ tiêu hóa lipid, nhưng với lượng dư thừa Phosphatidylcholine dường như sẽ ức chế sự hấp thu lipid.
Nghiên cứu trên chuột được thực hiện cho thấy: truyền vào tá tràng lượng chất nhũ hóa Phosphatidylcholine từ lòng đỏ trứng ghi nhận giảm hấp thu cholesterol khoảng 20% so với nhóm chứng.
Ảnh hưởng của Phosphatidylcholine đối với sự hấp thụ cholesterol dường như phụ thuộc vào độ bão hòa của phân tử acid béo, chính vì vậy Phosphatidylcholine từ lòng đỏ trứng ức chế sự hấp thụ cholesterol vào máu tốt hơn so với Phosphatidylcholine từ đậu nành.
Chuyển hóa Lipid ở gan
Thực hiện nghiên cứu trên mô hình động vật cho thấy, Phospholid từ lòng đỏ trứng làm giảm tổng hợp Cholesterol và tăng tổng hợp acid mật ở gan.
Cho chuột ăn chế độ ăn giàu lòng đỏ trứng trong 12 tuần làm giảm đáng kể mỡ máu và mỡ gan, đồng thời tăng bài tiết sterol trong phân (tức giảm hấp thu chất béo ở ruột) so với nhóm đối chứng. Những thay đổi này có liên quan đến giảm lượng gen sinh tổng hợp cholesterol ở gan và tăng biểu hiện gen tổng hợp acid mật.
Tăng HDL trong huyết tương – loại Cholesrerone tốt với tim mạch
HDL là lipoprotein tỷ trọng cao, nó được coi là “cholesterone tốt” có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. HDL có khả năng loại bỏ lipid dư thừa trong máu và vận chuyển chúng trở về gan để bài tiết ra khỏi cơ thể.
Một chế độ ăn giàu Phospholipid có liên quan đến sự gia tăng chỉ số HDL trong các nghiên cứu trên động vật và con người. Hàm lượng HDL-PL trong huyết tương đã được chứng minh là tăng sau ăn sau khi ăn lòng đỏ trứng giàu Phospholipid. Sự tăng tốc độ di chuyển cholesterol trong máu và tăng kích thước hạt HDL do gắn thêm Phospholipid, điều này làm ức chế sự lắng đọng cholesteron ở thành mạch.
Giảm viêm
Ngoài tác dụng trên chuyển hóa lipid, chế độ ăn giàu Phospholipid từ lòng đỏ trứng cũng có thể làm giảm viêm. Ăn ba quả trứng mỗi ngày trong 12 tuần làm giảm dấu hiệu viêm (TNFα) trong huyết tương ở người. Những thay đổi này không được quan sát thấy với nhóm sử dụng lòng trắng trứng.
Lòng đỏ trứng chứa một lượng choline đáng kể. Lượng choline trong chế độ ăn có liên quan nghịch với các dấu hiệu viêm trong máu ở người lớn khỏe mạnh. Trên động vật cũng cho kết quả tương tự, dùng choline cho chuột làm giảm đáng kể TNFα trong huyết tương, do vậy làm giảm các phản ứng viêm quá mức của tế bào miễn dịch và tăng cường khả năng sống sót trước nội độc tố.
Công dụng
Bổ não
Sự gia tăng chất dẫn truyền thần kinh Acetylcholine được cho là có lợi trong các trường hợp: suy giảm trí nhớ, cần tăng sự tập trung.
Sử dụng phosphatidylcholine mỗi ngày có thể cải thiện sự tập trung và tăng sự ghi nhớ ở những sinh viên đại học.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch và được đặc trưng bởi sự cứng và dày của thành động mạch do chất béo lắng đọng.
Xơ vữa động mạch là một bệnh viêm mạn tính tiến triển chậm nhưng gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, đau ngực.
Sự tích tụ lipid dưới lớp nội mô có nguồn gốc từ lipoprotein huyết tương là sự khởi đầu hình thành và phát triển mảng bám này. Phosphatidylcholine làm tăng kích thước các hạt HDL, ngăn chặn sự lắng đọng của chúng ở thành mạch. Do vậy giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Viêm đại tràng
Phosphatidylcholine có tác dụng giảm phản ứng viêm của tế bào miễn dịch, có lợi trong các trường hợp viêm đường tiêu hóa. Một nghiên cứu lâm sàng được thiết kế, sử dụng Phosphatidylcholine bằng đường uống với liều 1 g mỗi ngày trong 3 tháng giúp cải thiện tình trạng viêm đại tràng.
Bảo vệ gan
Lượng choline thấp trong chế độ ăn được chứng minh là có liên quan đến việc tăng xơ hóa gan ở phụ nữ mãn kinh bị gan nhiễm mỡ không do rượu.
Phosphatidylcholine giúp giảm tổng hợp chất béo tại gan, làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ và tăng cường chức năng gan.
Một số thuốc được bán trên thị trường sử dụng Phosphatidylcholine đường uống với liều 1800mg mỗi ngày để điều trị các bệnh lý về gan như: chán ăn, đau hạ sườn phải, tổn thương gan do nhiễm độc và viêm gan.
Viêm gan C: Dùng phosphatidylcholine bằng đường uống, cùng với interferon, dường như cải thiện chức năng gan ở những người bị viêm gan C.
Chống lão hóa da
Phospholipid được coi là thành phần dưỡng ẩm tốt cho da. Có mặt trong nhiều loại kem dưỡng ẩm, chống oxy hóa nhờ khả năng giữ ẩm vượt trội.